Sắp đến hạn nộp Báo cáo thuế GTGT rồi. Hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn Kế toán về Khấu trừ Thuế GTGT .
Những hóa đơn, chứng từ nào thì được kê khai khấu trừ ? Các bạn kế toán lưu ý những điểm sau đây nhé.
1. Điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là phải có Hóa đơn GTGT hợp pháp và chứng từ hợp pháp. Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị lớn hơn 20tr thì phải dùng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Hóa đơn GTGT như thế nào thì được gọi là hợp pháp? Hợp pháp là hóa đơn không phải bất hợp pháp, không phải là hóa đơn giả, hóa đơn hết giá trị sử dụng (DN bị cưỡng chế hóa đơn, DN đã làm thông báo hủy hóa đơn đó), hóa đơn chưa có giá trị sử dụng (DN chưa thông báo phát hành hóa đơn).
- Chứng từ hợp pháp là các loại giấy nộp tiền sau :
+ Giấy nộp tiền thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh (kê khai ở phụ lục 1.5)
+ Giấy nộp tiền thuế GTGT ở khâu nhập khẩu
+ Giấy nộp tiền thuế GTGT cho nhà thầu Nước ngoài.
- Các hóa đơn GTGT và giấy nộp tiền đều phải thể hiện đầy đủ và chính xác Tên DN, Địa chỉ và MST nhé.
- Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt :
+ Chuyển khoản,
+ Bù trừ công nợ : bắt buộc phải có Biên bản bù trừ công nợ nhé.
+ Ủy quyền thanh toán
2. Vậy các hóa đơn GTGT và chứng từ hợp pháp, hợp lệ được khấu trừ theo nguyên tắc nào :
- Các hóa đơn GTGT đầu vào phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đầu ra chịu thuế thì được khấu trừ toàn bộ.
- Các hóa đơn GTGT đầu vào phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đầu ra không chịu thuế thì không được khấu trừ. Trừ trường hợp sau
+ Đầu vào phục vụ cho hoạt động viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
+ Đầu vào của hoạt động khai thác tìm kiếm thăm dò Dầu khí.
- 3 trường hợp hóa đơn không mang tên DN nhưng DN vẫn được khấu trừ :
+Tổ chức, cá nhân không kinh doanh góp vốn bằng Tài sản mới vào DN.
+ Các cổ đông sáng lập DN góp vốn bằng TS, CCDC…
+DN bảo hiểm lấy hóa đơn mang tên DN, cá nhân được Bảo hiểm để khấu trừ.
- Hóa đơn GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ đùng chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh không chịu thuế và chịu thuế thì phải phân bổ số thuế GTGT được khấu trừ theo tỷ lệ giữa hoạt động chịu thuế và không chịu thuế. Cuối năm phải tiến hành phân bổ lại theo tỷ lệ của cả năm.
- DN không không hoạt động kinh doanh Khách sạn, Du lịch, không kinh doanh dịch vụ Vận tải, không mua xe chạy thử có mua xe oto dưới 9 chỗ ngồi thì thuế GTGT được khấu trừ tối đa là 160 triệu đồng.
Trong quá trình làm việc sẽ không tránh khỏi việc sai sót, Kế toán phải xử lý thế nào khi có sai sót trong quá trình lập tờ khai thuế GTGT?
1. Nếu phát hiện ra sai sót khi chưa hết hạn nộp tờ khai thì bạn chỉ cần lập tờ khai mới với số liệu chính xác rồi nộp lại thôi nhé.
2. Nếu phát hiện ra sai sót khi đã hết hạn nộp tờ khai thì các bạn xử lý theo từng trường hợp cụ thể như sau :
- Kê khai sai hoặc kê khai sót hóa đơn bán ra hoặc kê khai sai giá trị hóa đơn đầu vào thì bạn phải lập tờ khai điều chỉnh bổ sung nhé.
- Kê khai sót hóa đơn đầu vào thì bạn kê khai vào tháng sau hoặc quý sau nhé.
3. Nguyên tắc lập tờ khai bổ sung :
- Sai ở đâu sửa ở đó : nếu quý 3/2020 các bạn phát hiện ra sai sót ở quý 4/2019 thì các bạn lập tờ khai điều chỉnh bổ sung cho quý 4/2019, sai ở chỉ tiêu nào thì bạn chỉnh chỉ tiêu đó về số liệu đúng. Lập KHBS để tìm ra chênh lệch.
+ Nếu có sự chênh lệch số thuế còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau thì các bạn đưa vào chỉ tiêu [37], [38] của kỳ phát hiện ra sai sót.
+ Nếu có sự chênh lệch về số thuế phải nộp thì các bạn mang tiền nộp vào NSNN thôi nhớ nộp cả tiền phạt chậm nộp nhé.
- Tờ khai điều chỉnh bổ sung bạn có thể lập và nộp cho Cơ quan Thuế bất cứ lúc nào trước khi Cơ quan Thuế có quyết định Thanh tra, kiểm tra DN.
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết này. Mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm nhé.